fbpx

THOÁI HÓA KHỚP VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

  1. Khái niệm

Bước vào tuổi trung niên, chúng ta thường bắt gặp những cơn đau nhức ở các khớp chân, tay, ở cổ, lưng, cảm giác nặng nề khi cử động khiến bạn không thể thực hiện một số động tác cúi gập người, xoay cổ, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng và dễ dàng như trước. Rất có thể bạn đang phải đối mặt với một căn bệnh “không thể tránh khỏi” của tuổi tác, đó là thoái hóa khớp (hay còn gọi là hư khớp).

thoái hóa ở ng già

Hình ảnh 1: Thoái hóa khớp ở người cao tuổi

  1. Nguyên nhân

Dựa vào nguyên nhân người ta chia thoái hóa khớp thành 2 loại nguyên phátthứ phát.

Thoái hóa nguyên phát chính là quá trình lão hóa khớp xương theo tuổi tác. Như chúng ta đã biết, đầu xương ở các khớp động đều được bọc 1 lớp sụn trơn, đàn hồi và dẻo dai. Lớp sụn ấy được nuôi dưỡng bởi các chất dinh dưỡng trong bao hoạt dịch, ngày càng dày lên, bền chắc, tăng sức chịu đựng và khả năng cử động cho khớp. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi chúng ta còn trẻ, khi có tuổi, quá trình tăng sinh sụn giảm, quá trình bào mòn lớp sụn diễn ra nhanh hơn, các sợi collagen trong sụn cũng trở nên xơ cứng và chết đi. Không còn lớp “bôi trơn”, các đầu xương chạm dính vào nhau, cọ sát làm nứt, mẻ đầu xương gây thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp thứ phát xảy ra sau chấn thương làm tổn thương mặt khớp, hoặc từ những chấn thương nhỏ nhưng tác động nhiều lần, khớp hoạt động quá tải. Ngoài ra, di chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm đa khớp dạng thấp cũng gây thoái hóa khớp.

  1. Triệu chứng

Bệnh thoái hoá khớp nguyên phát hay gặp ở người 40-50 tuổi, và ở phụ nữ sau khi mãn kinh, nhưng trong suốt quá trình thoái hoá khớp hầu như không có triệu chứng nào xảy ra. Các dấu hiệu chỉ xuất hiện khi xương và hệ thống bao khớp bị tổn thương thực sự. Bệnh thường khởi đầu âm ỉ, tiến triển chậm với những giai đoạn được cải thiện theo cảm nhận chủ quan.

Có thể phân biệt thoái hóa khớp với bệnh viêm xương khớp thông qua triệu chứng đau. Đau do thoái hóa mang đặc điểm của đau kiểu cơ học (tức là đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi):

+ Vị trí: thường đau đối xứng hai bên, đau khu trú ở khớp hay đoạn cột sống bị thoái hóa ít lan xa, trừ khi có chèn ép vào rễ dây thần kinh.

+ Tính chất: đau âm ỉ, có khi thành cơn đau cấp sau khi vận động ở tư thế bất lợi, đau nhiều về buổi chiều, giảm đau về đêm và sáng sớm.

+ Đau diễn biến thành từng đợt, có khi diễn biến đau liên tục tăng dần.

+ Đau không kèm theo các biểu hiện viêm.

đau

Ngoài ra, hai dấu hiệu nữa dễ gặp phải là hạn chế vận động khớp xương và nặng nhất là biến dạng khớp và tàn phế.

Bệnh nhân thường phát hiện thoái hóa khớp có tổn thương thực sự khi đi khám bác sĩ. Những tổn thương vùng khớp như hẹp khe khớp, mòn đầu xương, xuất hiện gai xương, phá hủy lớp sụn v.v…được thể hiện rất rõ trên hình ảnh X-quang; các dấu hiệu của loãng xương cũng có thể được phát hiện nếu sử dụng những phương pháp đặc biệt để phát hiện sớm các tổn thương của khớp như: chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, soi ổ khớp…

hình khớp thoái hóa

  1. Điều trị

Thật không may phải nói rằng, thoái hóa khớp là quá trình không thể đảo ngược. Điều duy nhất chúng ta làm được là ngăn chặn không cho quá trình này xảy ra sớm và nếu đã xảy ra thì bằng mọi cách để làm chậm tốc độ thoái hóa.

Phát hiện sớm thoái hóa khớp ở giai đoạn sớm là điều quan trọng nhất, nên khám bệnh định kỳ để biết tình trạng sức khỏe và có cách xử lý ngay từ đầu. Sau đó sẽ kết hợp kết hợp rèn luyện tư thế, vận động, dinh dưỡng, nội khoa, ngoại khoa và vật lý trị liệu. Nếu bệnh nhân tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, kết quả chữa bệnh sẽ khả quan.

Bệnh nhân nên hạn chế tình trạng hư sụn khớp bằng cách giảm các động tác như ngồi xổm, xếp bằng, leo trèo, khiêng vác nặng. Tập luyện các bài thể dục dưỡng sinh nhẹ nhàng, thực hiện các thao tác xoay nhẹ, thường xuyên xoa bóp khớp bằng các chế phẩm dùng ngoài da như mỡ bôi, kem, gel. Cũng giống như bệnh về khớp nói chung, bệnh nhân có thể dùng thuốc để giảm triệu chứng đau đớn bằng các thuốc giảm đau, kết hợp “uống trong – bôi ngoài”, hoặc tiêm thuốc vào ổ. Tuy nhiên, thuốc uống giảm đau gây ra nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, gan, thận nên với những bệnh nhân mắc bệnh khớp mạn tính nên chọn các dạng thuốc dùng ngoài da, đặc biệt thuốc mỡ bôi ngoài da đảm bảo an toàn, hiệu quả, và tiết kiệm chi phí điều trị.

Bệnh nhân cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng. Hạn chế bia, rượu, thuốc lá vì những chất này có khả năng gây co cứng cơ và giảm tác dụng của thuốc. Uống bổ sung glucosamine, ăn đầy đủ dưỡng chất và xoa bóp khớp đều đặn nhằm lưu thông máu, thúc đẩy cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp.

Nguồn: Tổng hợp

Các bình luận

Bình luận

đau nhức xương khớp người già thuốc làm tan máu bầm thuốc thuốc chữa bầm tím.