fbpx

CẤU TẠO KHỚP XƯƠNG Ở NGƯỜI VÀ CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP

1. Khớp xương là gì?

206 và 360 lần lượt là số xương và số khớp xương trên cơ thể một người trưởng thành. Hàng ngày, con người di chuyển, hoạt động là nhờ vào hệ vận động gồm có bộ xương – khớp và hệ cơ. Khớp xương là chỗ các xương tiếp xúc và liên kết với nhau, tuy nhiên không phải chỉ có các vị trí cử động được mới có khớp xương. Căn cứ vào mức độ hoạt động, người ra phân chia khớp xương thành 3 nhóm lớn:

– Khớp bất động (synarthrosis joint): khớp xương hộp sọ, khớp xương mặt…

– Khớp bán động (symphysis amphiarthrosis): khớp đốt sống, khớp háng…

– Khớp động (synovial joint): khớp gối, khớp khuỷu…

2. Cấu tạo khớp xương

Khớp bất động có phạm vi hoạt động rất nhỏ hoặc không thể hoạt động được do các xương này khớp với nhau nhờ các răng cưa nhỏ hoặc do những mép xương lợp lên nhau kiểu vảy cá nên khi cơ co không làm khớp cử động. Trong nhóm khớp này điển hình có khớp xương hộp sọ, một số xương mặt.

khớp bất động
Hình ảnh 1: Khớp bất động

Khớp bán động là loại khớp mà giữa hai đầu xương khớp với nhau chỉ có một đĩa sụn làm khớp kém linh động, biên độ hoạt động nhỏ. Khớp bán động điển hình là khớp đốt sống, ngoài ra còn có khớp háng. Chúng ta đều biết những diễn viên múa phải luyện tập từ khi còn rất nhỏ, chính bởi vì ở trẻ em, các đĩa sụn rất đàn hồi nên dễ uốn cong lưng hay xoạc chân ra dễ dàng. Một khi lớn lên và già đi, các đĩa sụn dẹp lại làm cột sống khó cử động hơn, xoạc chân ra khó khăn.

khớp bán động
Hình ảnh 2: Khớp bán động

Khớp động
Khớp động là nhóm khớp linh hoạt nhất trong 3 nhóm xương khớp, cũng là nhóm khớp chịu nhiều sức ép từ các hoạt động của con người. Lý giải cho sự cử động rõ nét trên phạm vi rộng đến từ cấu tạo của loại khớp này. Mặt khớp ở mỗi xương có một lớp sụn trơn, bóng và đàn hồi, có tác dụng làm giảm sự cọ xát giữa hai đầu xương. Giữa khớp có một bao đệm chứa đầy chất dịch nhầy do thành bao tiết ra gọi là bao hoạt dịch. Chất hoạt dịch có chứa chất điện giải (Ca++, Na+ v.v…), đường và protein giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho sụn, đĩa khớp, tăng khả năng hoạt động của khớp, giảm ma sát bề mặt. Bên ngoài khớp động là những dây chằng dai và đàn hồi, nối liền hai đầu xương làm thành bao kín bọc lại gọi là bao xơ. Từ những đặc điểm cấu tạo khác biệt đó mà loại khớp này cử động dễ dàng.
Khớp có thể hoạt động theo ba trục quay cơ bản vuông góc với nhau là:
– Trục phải trái: Thực hiện động tác gấp và duỗi
– Trục trước sau: Thực hiện động tác dạng và khép
– Trục trên dưới: Thực hiện động tác sấp và ngửa
Có khớp chỉ cử động theo một trục, ví dụ như khớp khuỷa tay thực hiện gập – duỗi. Một số khớp như khớp cổ tay, khớp giữa bàn ngón và đốt ngón I có thể hoạt động quay quanh hai trục vuông góc nhau là gập – duỗi và dạng – khép. Khớp vai, khớp chậu đùi do có hình thể là khớp chỏm cầu, nên có khả năng hoạt động quanh ba trục vuông góc trên ba mặt phẳng: gập – duỗi, dạng – khép, xoay vào xoay ra và quay vòng tròn.

khớp động
Hình ảnh 3: Khớp bán động

3. Các bệnh hay gặp ở khớp xương
Có khá nhiều bệnh lý liên quan đến khớp xương mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Bệnh đau nhức xương, khớp thường dai dẳng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. 6 bệnh cơ xương khớp dưới đây có tần suất thường gặp hơn cả:
• Thoái hóa khớp: là căn bệnh thường gặp ở người trung niên, người già do quá trình lão hóa khiến có lớp sụn ở khớp hao mòn, khiến cho khớp cứng, khó cử động. Đặc trưng của bệnh là vùng khớp bị đau khi vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi, không bị sưng, phù nề như một số bệnh có hiện tượng viêm khớp khác.
• Viêm xương khớp: đây không phải là một bệnh đơn lẻ mà là một nhóm bệnh mà đặc tính chung gồm đau nhức, viêm, và hạn chế cử động của khớp xương. Khi mắc bệnh này, các khớp xương có dấu hiệu đau do viêm (đau tăng dần kể cả khi nghỉ ngơi), đi kèm là sưng, nóng, đỏ vùng viêm.
Viêm khớp dạng thấp: (thấp khớp mãn tính) là một trong các bệnh tự miễn mãn tính ảnh hưởng trực tiếp lên các mô liên kết của cơ thể. Bệnh không chỉ thể hiện sự phá hủy tại các khớp xương dẫn đến biến dạng khớp mà còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan, hệ thống trong cơ thể, gây ra triệu chứng toàn thân.
Bệnh gout: (hay còn gọi là thống phong) căn bệnh không xa lạ gì với các “quý ông” thừa cân, hay uống rượu bia, hoặc chế độ ăn quá nhiều đạm. Bệnh gout khởi phát bất ngờ với những cơn đau nhói lúc nửa đêm ở các khớp ngón chân, mắt cá chân, sau đó lan sang các khớp khác khiến bệnh nhân không chịu được.
Hội chứng đau vai gáy, đau thắt lưng: là vấn đề chung thương gặp của dân văn phòng, công nhân lao động phải ngồi lâu cùng một tư thế nhiều giờ liền; đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột do rối loạn chức năng thần kinh mà không do tổn thương xương, khớp, đốt sống cổ hay đĩa đệm.
Phần lớn các ca đau thắt lưng không có nguyên nhân bệnh lý mà chủ yếu bắt nguồn từ các tư thế sai trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao, làm vùng cột sống thắt lưng cũng như những nhóm cơ chống đỡ làm làm việc quá sức sinh ra mệt mỏi, số còn lại là biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng, thoái hóa đốt sống ở người già.
Thấp khớp cấp: Thấp khớp cấp là bệnh mắc phải khi nhiễm liên cầu khuẩn vùng hầu họng. Nếu không được điều trị triệt để, sau vài tuần sẽ xuất hiện triệu chứng viêm khớp, đặc biệt các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân, cổ tay. Đau sẽ chuyển từ khớp này sang khớp khác mà không để lại di chứng. Nguy hiểm ở chỗ, nó còn gây tổn thương vĩnh viễn các van tim đưa đến suy tim. Vì vậy bệnh còn được gọi với tên bệnh “thấp tim”.

DS. Ngụy Quốc Anh

Các bình luận

Bình luận

đau nhức xương khớp người già thuốc làm tan máu bầm thuốc thuốc chữa bầm tím.